Hiểu rõ 4 tiêu chí chấm điểm IELTS Speaking (Mới nhất 2024)
Cũng như khi bắt đầu một hành trình nào đó, việc hiểu rõ và làm chủ các tiêu chí đánh giá chính là chìa khóa giúp bạn tự tin và tỏa sáng trong phòng thi. Hãy cùng Betterway khám phá những yếu tố cốt lõi nào cần lưu ý để chinh phục phần thi IELTS Speaking một cách trọn vẹn nhất nhé.
IELTS Speaking Descriptors là bộ 4 tiêu chí được giám khảo sử dụng để đánh giá khả năng Speaking của thí sinh.
- Fluency and coherence (Độ trôi chảy và mạch lạc)
- Lexical resources (Vốn từ vựng)
- Grammatical range and accuracy (Sự đa dạng và chính xác của ngữ pháp)
- Pronunciation (Phát âm)
NỘI DUNG
I. Fluency and coherence
Fluency and Coherence đánh giá mức độ trôi chảy và tính mạch lạc trong phần nói của thí sinh. Dựa trên IELTS Speaking Band Descriptors, ta có thể phân loại các yếu tố của tiêu chí này như sau:
1. Khả năng phát triển và mở rộng ý
Để đạt được điểm cao ở tiêu chí này, thí sinh cần thể hiện khả năng phát triển ý tưởng một cách sâu rộng và chi tiết. Điều này có nghĩa là bạn không chỉ đưa ra câu trả lời trực tiếp, ngắn gọn mà còn cần đưa ra ví dụ, giải thích hoặc so sánh để làm rõ hơn ý kiến của mình.
2. Sự trôi chảy (tần suất ngắt nghỉ, ngập ngừng, do dự)
Sự trôi chảy được thể hiện qua khả năng nói liên tục, không bị ngắt quãng quá nhiều. Vì vậy, việc dừng lại để suy nghĩ hay đắn đo khi lựa chọn từ ngữ và cách diễn đạt quá lâu với tần suất nhiều có thể ảnh hưởng xấu đến tiêu chí này. Ngập ngừng là một phần tự nhiên của việc nói, nhưng ta chỉ nên hạn chế ở mức độ nhất định.
- Với micro pause (khoảng ngắt nhỏ, diễn ra trong <=0.2 giây) và short pause (khoảng ngắt kéo dài <=0.4 giây), bạn không cần lo lắng vì chúng giúp đảm bảo nhịp điệu cũng như tốc độ vừa phải khi nói tiếng Anh.
- Tuy nhiên, hãy lưu ý long pause (khoảng ngắt dài hơn 0.4 giây) vì chúng có thể gây ảnh hưởng lớn đến Fluency khi khiến cho người nghe khó nắm bắt các ý và dễ đánh mất sự mạch lạc của phần trình bày.
3. Tốc độ nói
Tốc độ nói cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự trôi chảy. Tốc độ quá chậm khiến bài nói trở thiếu tự nhiên, rời rạc và thể hiện khả năng áp dụng thực tiễn ngôn ngữ còn hạn chế. Song, tốc độ nói nhanh không đồng nghĩa với việc bài nói trôi chảy hơn vì bạn có thể phát âm không rõ ràng và gây khó hiểu. Ngoài ra, khi bạn nói quá nhanh, đôi lúc tốc độ xử lý thông tin của não sẽ không bắt kịp, tạo ra khoảng ngắt/ngập ngừng. Do vậy, hãy cố gắng nói ở một tốc độ vừa phải, tự nhiên.
4. Tần suất tự sửa lỗi hoặc lặp lại bản thân
Tự sửa lỗi là hành động chỉnh lại những sai sót về ngữ pháp, từ vựng, giúp cho ý muốn truyền đạt trở nên rõ ràng và chính xác hơn. Đây là một phần tất yếu trong giao tiếp tiếng Anh hàng ngày. Khi tự sửa lỗi, thí sinh cho thấy mình ý thức được những sai sót của bản thân. Tuy nhiên, việc tự sửa lỗi quá nhiều sẽ giảm tính trôi chảy và mạch lạc của bài nói, ảnh hưởng đến điểm số ở tiêu chí này.
Lặp lại bản thân là việc sử dụng lại cùng một từ, cụm từ hoặc ý tưởng nhiều lần trong phần nói. Điều này không chỉ làm giảm tính đa dạng trong vốn từ vựng của bạn mà còn khiến câu trả lời trở nên nhàm chán và kém tự nhiên.
5. Khả năng sử dụng nhóm từ nối (connectives & discourse markers)
Connectives và discourse markers đều đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức và làm cho bài nói trở nên mạch lạc hơn, nhưng chúng có một số khác biệt cơ bản:
- Connectives: Là những từ hoặc cụm từ được sử dụng để kết nối và liên kết các câu và đoạn văn với nhau. Chúng rất hữu dụng trong việc xây dựng và duy trì mạch logic của bài nói thông qua mối quan hệ giữa các câu và các đoạn.
VD: in summary, besides, as a result
- Discourse markers: Là các từ, cụm từ hoặc cách diễn đạt dùng để điều hướng hoặc tổ chức bài nói bằng việc mở đầu, dẫn dắt, kết nối các ý. Chúng còn được sử dụng để thể hiện thái độ, cảm nhận của mình về những gì đang nói. Đôi lúc, discourse markers cũng có thể lấp đầy những khoảng ngập ngừng một cách tự nhiên, giúp thí sinh có thêm thời gian để suy nghĩ.
VD: what I mean is, that (being) said, I think/suppose/guess
II. Lexical resources
Lexical resources đánh giá sự phong phú và chính xác của vốn từ vựng mà thí sinh sử dụng trong phần nói. Để đạt điểm cao ở tiêu chí này, thí sinh cần lưu ý các thành tố sau:
- Sự đa dạng và linh hoạt về từ vựng
Việc thể hiện sự đa dạng trong từ vựng không chỉ giúp làm cho câu trả lời của bạn trở nên hấp dẫn hơn mà còn cho thấy bạn có khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt và tự nhiên. Tránh lặp lại các từ/cụm từ nhiều lần, thay vào đó hãy sử dụng từ đồng nghĩa hoặc các cách diễn đạt khác để làm phong phú bài nói.
- Sự chính xác về mặt ngữ nghĩa
Nếu chỉ chú ý vào việc nhồi nhét thật nhiều từ vựng về chủ đề mà bỏ qua tính phù hợp của nó, bạn vẫn có thể bị mất điểm ở tiêu chí này. Hãy đảm bảo rằng những từ vựng bạn chọn không chỉ đúng về nghĩa mà còn phù hợp với ngữ cảnh.
- Văn phong (style)
Một phong cách nói phù hợp có thể giúp bạn truyền đạt ý tưởng rõ ràng và hiệu quả hơn. Có hai loại văn phong chính:
Formal (trang trọng): Thường được sử dụng trong các tình huống chính thức, như khi thảo luận về các chủ đề học thuật hoặc chuyên môn, ví dụ như về chính sách của nhà nước.
Informal (không trang trọng). Đây là văn phong thường được sử dụng trong các cuộc trò chuyện hàng ngày.
- Cụm từ thông dụng (collocation)
Collocation là những sự kết hợp từ ngữ phổ biến trong tiếng Anh. Ví dụ, thay vì nói “make research”, cách diễn đạt phù hợp hơn là “carry out/do/conduct research”. Để nâng cao khả năng sử dụng collocation, bạn nên học song song khi trau dồi từ vựng mới và chủ động thực hành chúng trong các tình huống giao tiếp khác nhau.
- Cụm biểu đạt (idiomatic expression)
Sử dụng idioms một cách phù hợp có thể làm cho phần nói của bạn trở nên sinh động hơn và ghi điểm trong mắt giám khảo. Tuy nhiên, nếu chúng được đặt trong các bối cảnh không thích hợp (tức thí sinh không hiểu rõ cách dùng), phần nói của bạn sẽ trở nên gượng gạo, cứng nhắc hoặc khó hiểu.
III. Grammatical range and accuracy
Vế đầu tiên – Grammatical range đánh giá mức độ thành thạo của thí sinh đối với các yếu tố sau:
- Cấu tạo câu (Sentence formation)
- Sử dụng các loại mệnh đề
- Sử dụng cấu trúc câu phức hợp
- Linh hoạt sử dụng thì (Tenses)
Bên cạnh đó, bạn cần sử dụng những cấu trúc ngữ pháp một cách chính xác, đây là yếu tố được đánh giá qua vế thứ 2 – Grammatical accuracy. Bạn vẫn có thể mắc một vài lỗi nhỏ mà không ảnh hưởng đến điểm của tiêu chí bởi lẽ chúng là một phần khó tránh trong giao tiếp hàng ngày, kể cả với người bản xứ. Đôi khi việc mắc các lỗi như vậy có thể là do phản xạ tự nhiên của bạn khá nhanh.
Vì vậy, hãy hạn chế mắc quá nhiều lỗi sai, đặc biệt là về ngữ pháp cơ bản, để từ đó cải thiện Grammatical range and accuracy.
IV. Pronunciation
Pronunciation đánh giá mức độ dễ hiểu, sự đa dạng, linh hoạt và làm chủ trong việc sử dụng các pronunciation features (thành tố phát âm) sau:
- Individual sounds (Âm vị)
Việc phát âm từng âm vị trong từ một cách chính xác và rõ ràng là một yếu tố cơ bản để nâng cấp khả năng phát âm tiếng Anh của bạn. Trước khi bắt tay vào ôn luyện IELTS Speaking, thí sinh nên làm quen và nhận biết các nguyên âm và phụ âm trong bảng âm vị tiếng Anh (Phonemic Chart). Hãy đảm bảo thuần thục chúng vì phát âm không chính xác có thể khiến giám khảo không hiểu/hiểu sai điều mà bạn đang muốn truyền đạt.
- Word stress (Trọng âm từ)
Trọng âm là các âm tiết được nhấn mạnh hơn các âm khác trong cùng một từ. Khi một âm tiết là trọng âm của từ, nó sẽ được đọc kéo dài hơn, cao hơn và nhấn mạnh hơn. Nhấn mạnh sai trọng âm có thể làm thay đổi ý nghĩa của từ hoặc làm cho câu nói của bạn khó hiểu hơn.
- Sentence stress (Trọng âm câu)
Đây là kỹ năng nhấn mạnh những từ hoặc phần quan trọng trong câu để làm rõ ý nghĩa và mục đích của câu nói. Việc sử dụng trọng âm câu đúng cách giúp bạn làm nổi bật các thông tin quan trọng mà bạn muốn truyền đạt. Từ đó người nghe dễ dàng hiểu rõ hơn nội dung bạn đang nói và tăng hiệu quả giao tiếp.
- Linking sounds and words (Nối âm)
Nối âm là hiện tượng phổ biến trong tiếng Anh khi các âm được nối lại với nhau để tạo ra một câu nghe tự nhiên, mượt mà hơn. Thông thường, nếu một từ kết thúc bằng phụ âm và từ tiếp theo bắt đầu bằng một nguyên âm, bạn có thể nối liền chúng lại và đọc “vắt sang”.
- Intonation (Ngữ điệu)
Intonation (ngữ điệu) là sự thay đổi trong cao độ của giọng nói khi bạn nói. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải cảm xúc và thái độ. Sử dụng ngữ điệu đúng cách giúp bài nói của bạn trở nên hấp dẫn và dễ nghe hơn, đồng thời thể hiện sự hiểu biết về ngữ nghĩa.
Ngữ điệu lên cao ở cuối thường thể hiện sự tích cực, bất ngờ, hoặc có thể sử dụng trong câu hỏi Yes/No và liệt kê.
Ngữ điệu xuống thấp ở cuối câu thường dùng trong câu khẳng định, ra lệnh, cảm nghĩ.
- Chunking (Chia đoạn)
Chunking là việc thí sinh biết cách ngắt nghỉ đúng chỗ khi nói, thay vì nói quá nhanh hoặc quá chậm. Ngắt nghỉ đúng cách sẽ giúp bạn thể hiện thông tin quan trọng qua từ đơn lẻ hoặc nhóm từ, giữ được sự chú ý từ phía người nghe và duy trì một mạch nói với tốc độ hợp lý.
- Contracted words (Từ rút gọn)
Từ rút gọn thường được dùng trong giao tiếp hàng ngày để giúp câu nói ngắn gọn hơn. Cách nói của bạn cũng sẽ trở nên tự nhiên và gần gũi hơn nhiều đó. (VD: She’s = She is)
V. Chiến lược cải thiện điểm số IELTS Speaking
Song song với việc áp dụng phương pháp và các mẹo ôn tập hiệu quả, đừng quên một yếu tố vô cùng then chốt: xây dựng cho mình chiến lược học tập lâu dài để tối ưu hóa điểm số trong kỳ thi.
1. Luyện nói theo chủ đề
Việc ôn 5 đề cùng một topic trong 1 buổi sẽ có lợi hơn là dàn trải 5 đề thuộc 5 topic khác nhau bởi bạn có thể tập trung suy nghĩ, liên kết cũng như áp dụng trường từ vựng một cách thuần thục vào ngữ cảnh. Ngoài ra, bạn cũng sẽ dần “vào đà”, cảm thấy bình tĩnh, tự tin hơn để làm chủ topic đó.
2. Tìm bạn đồng hành
Điểm mấu chốt của Speaking nằm ở khả năng giao tiếp với đối phương. Vậy nên một trong những phương pháp thiết thực, hiệu quả, “tưởng không vui mà vui không tưởng” đó chính là “đôi bạn cùng tiến” – ôn tập cùng một người đồng hành. Không chỉ rèn luyện phản xạ tiếng Anh, đây cũng là cơ hội tuyệt vời để bạn được sửa chữa lỗi phát âm, học hỏi nhau về ý tưởng, từ vựng, cách nói và có sự tương tác giống như trong phòng thi.
3. Luyện nói thông qua việc nghe
Khi lắng nghe tiếng Anh thường xuyên, ta sẽ dần quen với âm điệu, ngữ điệu và cách phát âm của người bản xứ. Điều này không chỉ giúp cải thiện khả năng phát âm mà còn giúp chúng ta nắm bắt được cấu trúc câu và vốn từ vựng theo ngữ cảnh.
Với phương pháp shadowing (lắng nghe và bắt chước về mặt phát âm, độ nhấn nhá và ngữ điệu của người bản xứ) từ các chương trình TV, talkshow, podcast, chắc chắn bạn sẽ “bỏ túi” nhiều cách nói chuyện gần gũi, giao tiếp lưu loát và trở nên tự tin hơn.
4. Tham gia các khóa học IELTS
Một chiến lược học tập hiệu quả là điều không thể thiếu, song việc tự học đôi khi có thể dẫn đến nhiều khó khăn và khiến bạn mất nhiều thời gian. Hiểu được điều này, Betterway Education mang đến giải pháp toàn diện giúp bạn tự tin ẵm trọn điểm số IELTS Speaking.
Với sự dẫn dắt của các giáo viên giàu kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy độc quyền và chương trình học bài bản được biên soạn bởi chính đội ngũ học thuật, học viên tại Betterway sẽ có cơ hội rèn luyện tư duy và các kỹ năng chinh phục mọi dạng bài IELTS.
VI. Lời kết
Việc nắm vững bốn tiêu chí đánh giá của IELTS Speaking sẽ giúp bạn có những bước chuẩn bị cần thiết để nâng cao kỹ năng nói của mình, tiến gần hơn tới điểm số IELTS mơ ước. Đừng quên rằng Betterway sẽ ở đây và đồng hành cùng bạn trên chặng đường đó nha!
Betterway.vn
(Bài viết cập nhật: 01/11/2024)