5 Cách vượt qua nỗi lo âu trong phòng thi IELTS Speaking
Khi bước vào phòng thi IELTS Speaking, nhiều thí sinh không tránh khỏi cảm giác lo âu và căng thẳng. Những lo lắng này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phần thi.
Tuy nhiên, với những chiến lược hợp lý, bạn hoàn toàn có thể vượt qua nỗi sợ này. Trong bài viết này, Betterway sẽ chia sẻ một số cách giúp bạn giảm bớt lo âu và tự tin hơn khi thi IELTS Speaking nhé!
NỘI DUNG
I. Biểu hiện và ảnh hưởng của nỗi lo âu trong phòng thi IELTS Speaking
Từ trước đến nay, phần thi nói của IELTS luôn là một trong những trải nghiệm đáng sợ nhất đối với phần lớn các thí sinh. Việc đối diện với giám khảo và nói chuyện, thảo luận bằng một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ là không hề dễ dàng, và không tránh khỏi gây nên áp lực và lo lắng cho người thi.
Các triệu chứng phổ biến của nỗi lo âu trong phòng thi IELTS Speaking bao gồm:
- Tim đập nhanh và đổ mồ hôi
- Khô miệng và họng
- Run tay
- Khó tập trung hoặc không thể suy nghĩ rõ ràng
Tâm lý lo âu trong phòng thi IELTS Speaking Có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất của thí sinh. Khi cảm giác lo lắng xuất hiện, nhịp tim tăng nhanh, mồ hôi tay và sự căng thẳng có thể khiến thí sinh mất tập trung, khó suy nghĩ rõ ràng và quên mất các từ vựng hay ý tưởng cần diễn đạt, ảnh hưởng tiêu cực đến điểm số Lexical Resources.
Điều này còn làm giảm sự trôi chảy và mạch lạc trong phần nói, khiến câu trả lời không tự nhiên, ngắt quãng và thiếu sự tự tin, mất điểm trong tiêu chí Fluency and Coherence.
Hơn nữa, lo âu còn khiến thí sinh dễ mắc lỗi ngữ pháp hoặc phát âm sai vì bản thân đang mất kiểm soát trong việc truyền tải, khiến điểm số Grammatical Range and Accuracy và Pronunciation cũng chịu chung số phận bị trừ điểm.
Điều này sẽ vô cùng đáng tiếc bởi trên thực tế, khả năng của thí sinh có thể cao hơn nhiều so với những gì họ thể hiện trong lúc căng thẳng. Việc quản lý tốt tâm lý là yếu tố quan trọng giúp thí sinh duy trì sự bình tĩnh và thể hiện tốt nhất khả năng của mình trong kỳ thi.
II. Nguyên nhân dẫn đến lo âu
Để khắc phục tâm trạng âu lo này, việc quan trọng cần làm đầu tiên là hiểu rõ gốc rễ vấn đề. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này của các thí sinh:
1. Sợ mắc lỗi
Sợ mắc lỗi là một trong những nguyên nhân chính gây ra lo âu trong phòng thi IELTS Speaking. Khi thí sinh lo lắng về việc phát âm sai, dùng từ không chính xác hoặc mắc lỗi ngữ pháp, họ thường cảm thấy áp lực phải hoàn hảo trong từng câu nói.
Cảm giác này có thể khiến họ quá chú ý vào từng chi tiết nhỏ hay không dám sử dụng những kiến thức mình đã học được, dẫn đến việc mất đi sự tự nhiên và tự tin khi giao tiếp. Thay vì thoải mái diễn đạt ý tưởng của mình, họ lại trở nên cứng nhắc và căng thẳng, điều này lại càng tăng khả năng mắc lỗi hơn.
Do đó, hãy chấp nhận rằng mắc lỗi là một phần hoàn toàn bình thường trong quá trình học tập và giao tiếp. Làm được việc này, thoải mái và tự tin hơn trong giao tiếp.
2. Vốn ngữ pháp và từ vựng không đủ nhiều
Vốn ngữ pháp và từ vựng không đủ phong phú cũng góp phần tạo ra áp lực lớn cho thí sinh trong phòng thi IELTS Speaking. Khi không nắm vững cấu trúc ngữ pháp và thiếu từ vựng đa dạng, thí sinh dễ gặp khó khăn trong việc diễn đạt ý tưởng một cách rõ ràng và chính xác.
Họ lo lắng về việc sử dụng sai ngữ pháp hoặc không tìm được từ thích hợp để diễn tả cảm xúc hoặc quan điểm của mình, dẫn đến những câu trả lời ngắn gọn, thiếu chiều sâu. Dần dần, thí sinh sẽ cảm thấy ngại hoặc chờ trau dồi thêm vốn ngữ pháp và từ vựng rồi mới bắt đầu muốn giao tiếp.
3. Đánh giá thấp năng lực bản thân
Khi thí sinh không tin tưởng vào khả năng ngôn ngữ của mình, họ dễ dàng rơi vào trạng thái lo lắng và tự ti, điều này ảnh hưởng đến hiệu suất khi giao tiếp. Cảm giác năng lực chưa đủ tốt khiến họ tập trung vào những điểm yếu của mình thay vì thể hiện những điểm mạnh.
Để giảm bớt cảm giác lo âu, việc xây dựng sự tự tin thông qua luyện tập thường xuyên và nhận ra những tiến bộ nhỏ trong quá trình học tập là rất quan trọng.
III. Biện pháp khắc phục nỗi lo âu trong phòng thi IELTS Speaking
1. Hiểu rõ tiêu chí chấm điểm IELTS Speaking
Chắc hẳn các bạn đều đã nghe đến câu nói từ Binh Pháp Tôn Tử rằng “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” rồi đúng không? Chiến thuật này lại càng đúng cho kì thi IELTS nói chung và phần thi Speaking nói riêng.
Trong phần thi Speaking, điểm của bạn được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí bao gồm: Phát âm (Pronunciation), Sự trôi chảy và mạch lạc (Fluency & Coherence), Vốn từ vựng (Lexical Resources) và Sự đa dạng và chính xác về ngữ pháp (Grammatical range and accuracy).
Hiểu rõ 4 tiêu chí này, bạn sẽ xác định được điểm yếu, điểm mạnh của mình, vạch ra chiến lược cải thiện phù hợp với từng tiêu chí và dần làm chủ được từng tiêu chí ở mức độ mà bạn mong muốn. Việc tìm hiểu về các tiêu chí cũng giúp người học loại bỏ một vài hiểu lầm kinh điển như “Từ khó là từ hay”.
Thay vào đó, người học sẽ hiểu rằng “hay” ở đây phải xét đến việc từ đó có tự nhiên trong ngôn ngữ nói hay không, cách dùng đã chính xác hay chưa, hoặc người nói có dùng được collocation thường đi kèm với từ đấy không.
2. Xác định mục tiêu rõ ràng
Việc xác định mục tiêu cụ thể sẽ giúp bạn tập trung vào những kỹ năng cần cải thiện, từ đó xây dựng kế hoạch học tập phù hợp nhất có thể. Để đặt mục tiêu, trước hết bạn cần tự đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của mình, chẳng hạn như ngữ pháp, phát âm, hay khả năng diễn đạt ý tưởng.
Sau đó, hãy chia nhỏ mục tiêu thành từng bước cụ thể và có thể đo lường được, ví dụ: “Tôi sẽ luyện phát âm mỗi ngày 15 phút” hoặc “Tôi sẽ tự nói về một chủ đề trong 2 phút mà không dừng lại”.
Những mục tiêu nhỏ này sẽ giúp bạn dễ dàng theo dõi tiến độ và duy trì động lực học tập, từ đó nâng cao kỹ năng Speaking một cách hiệu quả và tự tin hơn trong các kỳ thi như IELTS.
3. Immersion (phương pháp học thẩm thấu)
Immersion là phương pháp học ngôn ngữ thông qua việc “đắm mình” hoàn toàn vào môi trường tiếng Anh, nơi mà bạn liên tục tiếp xúc và sử dụng ngôn ngữ này trong cuộc sống hằng ngày. Điều này có thể bao gồm từ những việc nhỏ nhặt nhất như tra cứu thông tin trên Google đến những hoạt động tốn nhiều thời gian hơn như xem phim, nghe nhạc, đọc sách,…
Phương pháp Immersion giúp tăng cường từ vựng và ngữ pháp một cách tự nhiên, vì bạn được tiếp xúc với tiếng Anh trong các ngữ cảnh thực tế, từ đó học cách sử dụng từ ngữ và cấu trúc câu đúng cách. Khi nghe hoặc đọc một từ mới trong tình huống cụ thể, bạn không chỉ hiểu được ý nghĩa mà còn biết cách dùng từ đó một cách chính xác.
Việc liên tục tương tác với tiếng Anh cũng giúp bạn tiếp thu ngữ pháp tự nhiên, mà không phải quá phụ thuộc vào các quy tắc ngữ pháp khô khan. Nhờ vậy, vốn ngữ pháp và từ vựng của bạn vừa được nâng cao, đồng thời rèn cho bạn tư duy nghĩ bằng tiếng Anh một cách tự nhiên, không gò bó.
4. Dự đoán và chuẩn bị trước cho những trường hợp gây căng thẳng
Bạn có thể vạch ra một số tình huống có khả năng cao sẽ gây hoảng loạn cho bạn và chuẩn bị cách ứng phó trước ở nhà. Dưới đây là một số ví dụ điển hình cho những tình huống dễ gặp trong phần thi Speaking:
- Không hiểu rõ câu hỏi: Điều này dễ xảy ra trong Part 1 hoặc Part 3 khi các câu hỏi yêu cầu phân tích hoặc giải thích. Lúc này, hãy bình tĩnh và nhờ giám khảo giải thích thật lịch sự bằng các mẫu câu sau: “Could you please explain what … is? (trường hợp bạn không hiểu nghĩa của một từ nào đấy)” hoặc “Could you rephrase the question, please?”.
- Chưa đạt yêu cầu thời gian: Trong Part 2, khi bạn cần nói liên tục trong 2 phút, việc thiếu ý tưởng dễ khiến bạn lo lắng về việc không đạt yêu cầu về độ dài bài nói. Đừng để khoảng lặng kéo dài quá lâu. Hãy thử miêu tả cảm xúc của bạn về tình huống/câu chuyện vừa rồi, hoặc đưa ra một dự đoán tương lai liên quan đến tình huống/câu chuyện vừa rồi nhé.
- Mắc lỗi phát âm hoặc ngữ pháp: Thay vì lo lắng và sợ rằng điểm số sẽ bị ảnh hưởng, hãy cứ bỏ qua những lỗi đấy và cố gắng cẩn thận hơn với các câu hỏi sau.
- Giám khảo không tương tác: Khi giám khảo không thể hiện sự tương tác mạnh mẽ, chẳng hạn như không gật đầu hoặc mỉm cười, thí sinh có thể cảm thấy thiếu tự tin và nghi ngờ bản thân. Đừng suy nghĩ quá nhiều vì việc này không thể hiện gì nhiều về đánh giá của giám khảo. Hãy cứ tập trung làm thật tốt câu trả lời của mình thôi nhé.
5. Thực hành thường xuyên
Song song với việc nạp input (đầu vào) là đọc báo, xem video hay nghe audio, chúng ta phải luyện tập sản xuất output (đầu ra), chính là việc thực hành nói. Thực hành không những quan trọng trong việc kiểm tra và áp dụng kiến thức đã học, mà còn dần hình thành phản xạ khi nói, tạo nên cảm giác tự tin và tâm lý thoải mái khi phải giao tiếp trong tiếng Anh.
Phương pháp thực hành dễ tiếp cận nhất đối với người học chính là việc tự nói một mình. Việc này cho phép bạn luyện tập mà không sợ mắc lỗi và sợ bị người khác đánh giá.
Hãy bắt đầu với việc mô tả những gì bạn thấy xung quanh, kể lại ngày hôm nay của bạn ra sao dưới dạng nhật ký video hoặc thực hành các câu hỏi thường gặp trong kỳ thi IELTS. Bên cạnh đó, việc ghi âm lại bài nói của mình để nghe lại cũng rất hữu ích, vì nó giúp bạn nhận diện những điểm cần cải thiện và theo dõi tiến bộ theo thời gian.
IV. Chiến lược cải thiện điểm số IELTS Speaking
Song song với việc áp dụng phương pháp ôn tập hiệu quả trên, đừng quên một yếu tố vô cùng then chốt: xây dựng cho mình chiến lược học tập lâu dài để tối ưu hóa điểm số trong kỳ thi.
1. Luyện nói theo chủ đề
Việc ôn 5 đề cùng một topic trong 1 buổi sẽ có lợi hơn là dàn trải 5 đề thuộc 5 topic khác nhau bởi bạn có thể tập trung suy nghĩ, liên kết, khởi tạo cũng như áp dụng trường từ vựng một cách thuần thục vào ngữ cảnh. Ngoài ra, bạn cũng sẽ dần “vào đà”, cảm thấy bình tĩnh, tự tin hơn để làm chủ topic đó.
2. Tìm bạn đồng hành
Điểm mấu chốt của Speaking nằm ở khả năng giao tiếp với đối phương. Vậy nên một trong những phương pháp thiết thực, hiệu quả, “tưởng không vui mà vui không tưởng” đó chính là “đôi bạn cùng tiến” – ôn tập cùng một người đồng hành.
Không chỉ rèn luyện phản xạ tiếng Anh, đây cũng là cơ hội tuyệt vời để bạn được sửa chữa lỗi phát âm, học hỏi nhau về ý tưởng, từ vựng, cách nói và có sự tương tác giống như trong phòng thi.
3. Luyện nói thông qua việc nghe
Khi lắng nghe tiếng Anh thường xuyên, ta sẽ dần quen với âm điệu, ngữ điệu và cách phát âm của người bản xứ. Điều này không chỉ giúp cải thiện khả năng phát âm mà còn giúp chúng ta nắm bắt được cấu trúc câu và vốn từ vựng theo ngữ cảnh.
Với phương pháp shadowing (lắng nghe và bắt chước về mặt phát âm, độ nhấn nhá và ngữ điệu của người bản xứ) từ các chương trình TV, talkshow, podcast, chắc chắn bạn sẽ “bỏ túi” nhiều cách nói chuyện gần gũi, giao tiếp lưu loát và trở nên tự tin hơn.
4. Tham gia các khóa học IELTS
Một chiến lược học tập hiệu quả là điều không thể thiếu, song việc tự học đôi khi có thể dẫn đến nhiều khó khăn và khiến bạn mất nhiều thời gian. Hiểu được điều này, Betterway Education mang đến giải pháp toàn diện giúp bạn tự tin ẵm trọn điểm số IELTS Speaking.
Với sự dẫn dắt của các giáo viên giàu kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy độc quyền và chương trình học bài bản được biên soạn bởi chính đội ngũ học thuật, học viên tại Betterway sẽ có cơ hội rèn luyện tư duy và các kỹ năng chinh phục mọi dạng bài IELTS.
IV. Lời kết
Cảm giác lo âu trong phòng thi là một tâm lý hết sức phổ biến và dễ gặp phải trong phần thi nói của IELTS. Điều quan trọng là hãy luôn giữ cho mình một tinh thần thoải mái, tự tin và không ngừng thực hành. Khi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn sẽ sẵn sàng bước vào phòng thi với tâm thế vững vàng và đạt được kết quả như mong đợi.
Betterway chúc bạn ôn thi thành công!
Betterway.vn
(Bài viết cập nhật: 01/11/2024)