Các dạng Speaking Part 2 thường gặp và kinh nghiệm khi thi
Bạn đã bao giờ cảm thấy hoang mang khi phải đối mặt với những câu hỏi bất ngờ trong phần thi Speaking Part 2, không biết bắt đầu từ đâu khi dường như có quá nhiều chủ đề khác nhau? Đừng lo lắng, bài viết này sẽ giúp bạn giải quyết nỗi băn khoăn ấy và có một chiến thuật ôn luyện hiệu quả nhé.
NỘI DUNG
I. Những chủ đề IELTS Speaking Part 2 phổ biến
Các chủ đề Part 2 có thể được chia làm 5 nhóm chính:
1. Miêu tả con người (Describe a person)
Khi được yêu cầu miêu tả ai đó, bạn sẽ có cơ hội chia sẻ về một người đặc biệt trong cuộc đời mình. Đó có thể là bạn thân, thành viên trong gia đình, người nổi tiếng mà bạn ngưỡng mộ hoặc thậm chí là một người đã để lại cho bạn bài học đáng giá.
Thông thường, bạn có thể triển khai theo các ý sau:
- Người đó là ai (tên, mối quan hệ của bạn với họ)?
- Họ là người như thế nào?
- Tại sao họ lại…? (tùy chủ đề)/Chia sẻ cảm xúc của bạn về người ấy?
Bên cạnh việc miêu tả ngoại hình, hãy cố gắng làm rõ các đặc điểm nổi bật về tính cách, con người họ, không chỉ bằng những tính từ mà còn thông qua các câu chuyện, kỷ niệm thể hiện rõ nhất những phẩm chất của nhân vật. Bài nói sẽ trở nên sinh động hơn khi cảm xúc của bạn được thể hiện nhất quán, gần gũi, giúp giám khảo hiểu và cảm nhận được sự đặc biệt và tầm quan trọng của người được nhắc đến.
Một số đề miêu tả con người:
- Describe a person who taught you something.
- Describe a creative person whose work you admire.
- Describe a person that you enjoy spending time with.
2. Miêu tả sự vật (Describe an object)
Đây là một chủ đề hết sức phổ biến trong IELTS Speaking Part 2 với yêu cầu miêu tả những thứ xoay quanh cuộc sống hàng ngày của bạn hoặc có ý nghĩa đối với bạn.
Tham khảo dàn ý chung dưới đây:
- Sự vật đó là gì? Bạn có nó/biết đến nó như thế nào?
- Đặc điểm của đối tượng này?
- Vì sao bạn lại…? (tùy chủ đề)/Cảm xúc của bạn?
Bạn có thể mô tả ấn tượng ban đầu của mình về sự vật, đặc điểm hình dáng, cấu trúc/chất liệu, chức năng, nội dung, tần suất sử dụng… Ngoài ra, đào sâu về ý nghĩa, những cảm xúc, kỷ niệm và mong muốn của bạn trong tương lai đối với sự vật này.
Một số đề miêu tả sự vật:
- Describe a TV program you would like to watch.
- Describe a prize that you want to win.
- Describe a book you read that you found useful.
3. Miêu tả địa điểm (Describe a place)
Đối với nhóm chủ đề này, thí sinh sẽ được yêu cầu mô tả một địa điểm cụ thể nào đó (đáng nhớ, đã từng thăm quan, muốn tới trong tương lai hoặc có ý nghĩa đặc biệt).
Với dạng câu hỏi này, bạn sẽ thường nhận được cue card như sau:
- Địa điểm đó là gì, ở đâu?
- Địa điểm đó như thế nào? (khí hậu thời tiết, cảnh quan, con người, các hoạt động trải nghiệm nổi bật)
- Vì sao bạn lại…? (tùy chủ đề)/Cảm xúc của bạn?
Thí sinh chú ý sử dụng và kết hợp linh động thì (hiện tại, quá khứ, tương lai) phù hợp để diễn đạt. Nếu nói về địa điểm bạn từng tới, hãy miêu tả trải nghiệm cá nhân, những hoạt động mọi người có thể tham gia, những gì bạn đã trực tiếp trải nghiệm, tính cách con người xung quanh, các điểm thích và chưa thích cũng như mong muốn của bản thân (ví dụ: đưa bố mẹ tới nơi này du lịch trong tương lai).
Một số đề miêu tả địa điểm:
- Describe a city or a country you want to live in the future.
- Describe a garden/park you often go to.
- Describe a place you visited where the air was polluted.
4. Miêu tả trải nghiệm (Describe an experience)
Khi miêu tả một trải nghiệm, bạn có thể được yêu cầu nói về một kỉ niệm đáng nhớ, một sự kiện quan trọng, hoặc một trải nghiệm đã thay đổi cuộc sống của bạn.
Với nhóm chủ đề này, có những phần mà thí sinh thường nên nhắc đến, đó là:
- Trải nghiệm đó xảy ra vào lúc nào, ở đâu (bối cảnh ra sao)?
- Có những gì đã xảy ra?
- Bạn cảm thấy như thế nào về trải nghiệm đó?
Để bài nói trở nên hấp dẫn hơn, bạn nên tập trung vào việc mô tả câu chuyện một cách tự nhiên, hợp lý (có tính logic về tình tiết), tránh vòng vo, sử dụng các từ nối để tạo sự liên kết giữa các sự kiện và bày tỏ cảm xúc của bạn thông qua những từ ngữ/cách nói sinh động, tinh tế.
Một số đề miêu tả trải nghiệm:
- Describe a special occasion when you had a really enjoyable meal.
- Describe a time you were surprised to meet a friend.
- Describe a time you made a mistake and how you dealt with it.
5. Miêu tả hoạt động (Describe an event/activity)
Bạn sẽ miêu tả một sự kiện trong đời sống, chẳng hạn như lễ hội truyền thống, hoặc đại sự kiện thể thao.
Những gợi ý chính để triển khai bài nói bao gồm:
- Tên sự kiện, diễn ra ở đâu, khi nào, mục đích/ý nghĩa?
- Diễn biến chính, đặc điểm nổi bật của hoạt động này?
- Chia sẻ cảm xúc của bạn đối với sự kiện.
Khi mô tả, bạn có thể đi sâu vào khai thác bầu không khí hoặc thái độ của mọi người trước, trong và sau khi hoạt động diễn ra. Ngoài ra, hãy nói về cảm xúc của bản thân, bày tỏ ý nghĩa, ảnh hưởng tích cực, những điều bạn thích nhất ở sự kiện.
Một số đề miêu tả hoạt động:
- Describe a cultural festival or event in your country.
- Describe an important holiday that is celebrated in your country.
- Describe an exciting competition or sporting event you have witnessed.
II. Một số tips ôn luyện Speaking IELTS Part 2
1. Triển khai câu chuyện
Kể chuyện cũng giúp bạn thu hút sự chú ý của giám khảo và tạo ấn tượng mạnh mẽ hơn. Bạn có thể biến bài nói của mình trở nên sinh động, đồng thời cho người nghe thấy bạn có khả năng sắp xếp ý tưởng và diễn đạt một cách hiệu quả. Tuyệt vời hơn cả là tip này không chỉ áp dụng với mỗi dạng “Describe an experience” mà hoàn toàn có thể được khéo léo triển khai và lồng ghép vào các dạng còn lại đó!
2. Tận dụng 1 phút hiệu quả
Bạn có biết một phút chuẩn bị trong IELTS Speaking Part 2 là khoảng thời gian tuy ngắn nhưng vô cùng quý báu để bạn lên kế hoạch cho bài nói của mình? Để tận dụng tối đa thời gian này, hãy xác định nhanh đối tượng mô tả, những ý chính và câu chuyện bạn muốn nói đến thông qua keywords để tránh mất nhiều thời gian. Đồng thời, ghi khoảng 5-7 từ vựng “kim cương” về chủ đề cũng như một vài collocation/expression “tủ” của bạn phù hợp để áp dụng dưới dạng bảng/sơ đồ tư duy.
3. Phức tạp không phải lúc nào cũng là câu trả lời
Rất nhiều thí sinh nghĩ rằng các cấu trúc câu, từ vựng, ý tưởng càng phức tạp thì bài nói sẽ càng được đánh giá cao. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng giám khảo IELTS không chỉ đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ phức tạp mà còn quan tâm đến sự tự nhiên, lưu loát và khả năng truyền đạt ý tưởng của người nói.
Hãy ưu tiên áp dụng các cấu trúc ngữ pháp phức tạp một cách chính xác, phù hợp với một tần suất hợp lý, nếu không bài nói của bạn có thể trở nên khó hiểu và khó theo dõi.
Đối với từ vựng, thay vì tập trung kiếm tìm và nhồi nhét những từ ngữ, idiom, collocation “đao to búa lớn”, bạn nên quan tâm đến việc liệu chúng đã thực sự phù hợp với ngữ cảnh và tự nhiên chưa. Đừng quên rằng ngoài “Lexical resource” và “Grammatical range and accuracy” ta còn 2 tiêu chí quan trọng không kém đó là “Pronunciation” và “Fluency and coherence” nhé.
III. Chiến lược cải thiện điểm số IELTS Speaking
Song song với việc áp dụng phương pháp và các mẹo ôn tập hiệu quả, đừng quên một yếu tố vô cùng then chốt: xây dựng cho mình chiến lược học tập lâu dài để tối ưu hóa điểm số trong kỳ thi.
1. Luyện nói theo chủ đề
Việc ôn 5 đề cùng một topic trong 1 buổi sẽ có lợi hơn là dàn trải 5 đề thuộc 5 topic khác nhau bởi bạn có thể tập trung suy nghĩ, liên kết cũng như áp dụng trường từ vựng một cách thuần thục vào ngữ cảnh. Ngoài ra, bạn cũng sẽ dần “vào đà”, cảm thấy bình tĩnh, tự tin hơn để làm chủ topic đó.
2. Tìm bạn đồng hành
Điểm mấu chốt của Speaking nằm ở khả năng giao tiếp với đối phương. Vậy nên một trong những phương pháp thiết thực, hiệu quả, “tưởng không vui mà vui không tưởng” đó chính là “đôi bạn cùng tiến” – ôn tập cùng một người đồng hành. Không chỉ rèn luyện phản xạ tiếng Anh, đây cũng là cơ hội tuyệt vời để bạn được sửa chữa lỗi phát âm, học hỏi nhau về ý tưởng, từ vựng, cách nói và có sự tương tác giống như trong phòng thi.
3. Luyện nói thông qua việc nghe
Khi lắng nghe tiếng Anh thường xuyên, ta sẽ dần quen với âm điệu, ngữ điệu và cách phát âm của người bản xứ. Điều này không chỉ giúp cải thiện khả năng phát âm mà còn giúp chúng ta nắm bắt được cấu trúc câu và vốn từ vựng theo ngữ cảnh. Với phương pháp shadowing (lắng nghe và bắt chước về mặt phát âm, độ nhấn nhá và ngữ điệu của người bản xứ) từ các chương trình TV, talkshow, podcast, chắc chắn bạn sẽ “bỏ túi” nhiều cách nói chuyện gần gũi, giao tiếp lưu loát và trở nên tự tin hơn.
4. Tham gia các khóa học IELTS
Một chiến lược học tập hiệu quả là điều không thể thiếu, song việc tự học đôi khi có thể dẫn đến nhiều khó khăn và khiến bạn mất nhiều thời gian. Hiểu được điều này, Betterway Education mang đến giải pháp toàn diện giúp bạn tự tin ẵm trọn điểm số IELTS Speaking.
Với sự dẫn dắt của các giáo viên giàu kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy độc quyền và chương trình học bài bản được biên soạn bởi chính đội ngũ học thuật, học viên tại Betterway sẽ có cơ hội rèn luyện tư duy và các kỹ năng chinh phục mọi dạng bài IELTS.
IV. Lời kết
Qua bài viết trên, Betterway hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về Speaking Part 2, từ đó xây dựng một chiến lược ôn luyện hiệu quả, bền vững hơn. Đừng quên theo dõi chúng mình để không bỏ lỡ các kỹ năng và tips IELTS Speaking khác siêu hay ho nhé!
Betterway.vn
(Bài viết cập nhật: 01/11/2024)