5 Phương Pháp Cải Thiện Sự Tập Trung Trong IELTS LISTENING
Đối với nhiều người học IELTS, đặc biệt là những người mới bắt đầu, việc duy trì sự chú ý trong suốt bài thi nghe có thể là một thử thách lớn.
Hãy cùng Betterway khám phá những nguyên nhân khiến bạn mất tập trung trong bài thi IELTS Listening cũng như những chiến lược hiệu quả giúp bạn “bắt trọn” thông tin để chinh phục điểm cao nhé.
NỘI DUNG
I. Có hay không việc bạn đang sao nhãng khi làm bài?
Chúng ta hãy cùng làm một bài trắc nghiệm nho nhỏ dưới đây để xem liệu bạn có đang gặp vấn đề với việc tập trung không nhé.
Trong khi làm bài thi IELTS Listening, bạn cảm thấy:
Thường xuyên Thỉnh thoảng Không bao giờ
Bị xao nhãng bởi những suy nghĩ không liên quan đến bài nghe
Khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin quan trọng đã nghe
Phải tua lại bài nghe vì không nghe kịp hoặc bỏ lỡ thông tin
Các thông tin liên tục trôi qua nhưng bạn không nhận ra được đâu là ý chính và keywords cần thiết để làm bài
Cách tính điểm:
- Mỗi câu trả lời “Thường xuyên” được 2 điểm.
- Mỗi câu trả lời “Thỉnh thoảng” được 1 điểm.
- Mỗi câu trả lời “Không bao giờ” được 0 điểm.
Kết quả:
- 6 – 8 điểm: Mức độ mất tập trung của bạn có thể ảnh hưởng đáng kể đến kết quả bài thi và bạn nên rèn luyện khả năng tập trung để nâng cao điểm số.
- 3 – 5 điểm: Bạn không gặp quá nhiều vấn đề về mất tập trung, song vẫn nên áp dụng một số biện pháp để cải thiện khả năng tập trung trong bài thi IELTS Listening.
- 0 – 2 điểm: Bạn ít khi gặp vấn đề về mất tập trung và có khả năng tập trung tốt trong khi làm bài thi IELTS Listening.
II. Nguyên nhân nào dẫn đến mất tập trung khi làm IELTS Listening?
1. Ảnh hưởng từ môi trường xung quanh
Tiếng ồn xung quanh, ánh sáng chói chang hay sự xao nhãng từ các thí sinh khác là những “kẻ thù” đầu tiên khiến bạn mất tập trung. Những yếu tố này len lỏi vào tâm trí ta một cách vô thức, khiến bạn dễ bỏ lỡ thông tin quan trọng trong bài thi nghe.
2. Không nắm được mạch bài nói
Giống như lạc lối trong mê cung, việc không nắm bắt được mạch hội thoại khiến bạn dễ dàng bị hoang mang giữa những mảng thông tin rối rắm. Điều này thường xảy ra khi bạn không quen với nhịp điệu, tốc độ nói nhanh, ngữ điệu đa dạng, hoặc chưa xác định từ khóa trong đề bài, hoặc gặp phải nhiều từ vựng khó, ngoài vùng hiểu biết của bản thân.
3. Tâm lý chưa vững
Bên cạnh các tác động ngoại cảnh như trên, người học cũng gặp nhiều thách thức về sự phân tâm đến từ yếu tố bên trong. Khi đối mặt với áp lực thời gian và yêu cầu cao về khả năng nghe hiểu, bạn dễ bị những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, bồn chồn, thiếu tự tin chi phối, dẫn đến việc mất tập trung.
III. Chiến lược cải thiện khả năng tập trung trong IELTS Listening
1. Giữ tâm trạng thoải mái
Khi rơi vào trạng thái lo âu, não bộ con người sẽ gửi tín hiệu làm gián đoạn sự tập trung, khiến chúng ta gặp vấn đề trong việc xử lý thông tin một cách hiệu quả. Bởi vậy, giữ cho mình một cái đầu “lạnh” là yếu tố then chốt để kéo dài sự tập trung trong bài thi IELTS Listening.
2. Luyện tập thường xuyên với độ khó tăng dần
Không chỉ riêng với bài thi IELTS Listening mà bất cứ việc gì cũng đòi hỏi người học kiên trì trong việc rèn luyện.
Hãy nhớ rằng cách học luôn nằm ở lựa chọn của bạn – “chậm mà chắc”, “chất lượng hơn số lượng” – vẫn tốt hơn nhiều so với việc bạn cố gắng nhồi nhét, làm thật nhiều bài mỗi ngày, hoặc cố “cày” các bài khó nhất có thể.
Bắt đầu với những đoạn audio ngắn, ôn luyện từ Part 1 trước khi chuyển sang những phần sau – điều này có thể giúp bạn tăng sức bền và sự ổn định trong khi nghe hơn đấy!
3. Tạo môi trường giống như thi thật
Một trong những cách đơn giản nhất để chuẩn bị tâm lý thi cử nói chung là hãy tự tạo cho mình môi trường ôn luyện giống như trong phòng thi.
Quán cà phê với những bản nhạc hiện đại dễ gây sao nhãng? Phòng học còn đôi chút bừa bộn? Khu vực ôn luyện thiếu ánh sáng? Tất cả những yếu tố ngoại cảnh này có thể gián tiếp làm ảnh hưởng đến phần thể hiện của bạn nhiều hơn bạn nghĩ đó.
4. Tiếp xúc với các hoạt động nghe khác
Việc ôn luyện bằng các tài liệu học thuật đôi lúc có thể khiến người học chán nản, mất động lực. Tuy nhiên, đây không phải cách thức duy nhất để bạn cải thiện khả năng nghe tiếng Anh của mình.
Hãy tạo thói quen nghe mỗi ngày qua các nội dung như podcast, phim ảnh, chương trình truyền hình để khiến hành trình ôn luyện trở nên thú vị hơn, đồng thời làm quen với giọng điệu, cách truyền tải và từ vựng của các chủ đề khác nhau có thể được nhắc đến trong bài thi nhé.
5. Lắng nghe chủ động
Lắng nghe chủ động là khi ta không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận âm thanh thụ động, mà cố gắng tập trung nghe và hiểu nội dung thông điệp được truyền tải, giúp ta ghi nhớ thông tin hiệu quả hơn.
Người học có thể cải thiện kỹ năng này thông qua việc ghi chú chọn lọc (ý chính, các từ lạ), dự đoán, tự đặt câu hỏi, xâu chuỗi, sắp xếp và tóm tắt thông tin. Tương tác với tài liệu nghe trong quá trình ôn luyện sẽ làm giảm khả năng bị phân tâm từ đó khai thác được bài nghe một cách triệt để.
IV. Tổng kết
Không phải ai cũng tránh được việc xao nhãng tuyệt đối trong phòng thi khi luôn có một nguồn áp lực vô hình xung quanh, nhưng chắc chắn bạn hoàn toàn có thể cải thiện khả năng tập trung mỗi ngày.
Qua những chia sẻ trong bài viết này, hy vọng các bạn sẽ có chiến lược ôn luyện IELTS Listening hiệu quả hơn nhằm chinh phục kỳ thi IELTS. Đừng quên theo dõi website và fanpage của Betterway Education để “bỏ túi” các bí kíp ôn luyện siêu đỉnh nhé!
Betterway.vn
(Bài viết cập nhật: 01/11/2024)