Phương pháp Shadowing là gì: Cách áp dụng hiệu quả Shadowing
Chắc hẳn các bạn đọc đã nhiều lần nghe tới thuật ngữ Shadowing trong các tài liệu hay các bài báo về phương pháp học Tiếng Anh. Vậy thì Shadowing là gì, làm sao để áp dụng Shadowing đúng cách, hãy cùng Betterway tìm hiểu qua bài viết này nhé.
NỘI DUNG
I. Phương pháp Shadowing là gì?
“Shadow” trong tiếng Anh có nghĩa là cái bóng, “shadowing” có thể hiểu là nói bóng. Cụ thể là khi dùng phương pháp này, người học sẽ phải lặp lại (bắt chước) y hệt những gì họ nghe được từ một đoạn âm thanh ngay sau người bản ngữ, từ cách người nói phát âm, ngắt câu đến cách nhấn mạnh và luyến láy.
Kỹ thuật này yêu cầu người học lắng nghe và nhắc lại gần như đồng thời, giúp cải thiện phát âm, ngữ điệu, kỹ năng nghe và khả năng phản xạ ngôn ngữ. Shadowing không chỉ đơn thuần là học thuộc lòng mà còn giúp người học thấm nhuần ngôn ngữ một cách tự nhiên và nhanh chóng thông qua việc luyện tập liên tục.
Phương pháp này đã tồn tại từ lâu, nhưng chỉ khi Giáo sư Alexander Arguelles, một nhà ngôn ngữ học và người thông thạo nhiều ngôn ngữ, đặt tên chính thức cho nó, Shadowing mới trở thành một kỹ thuật luyện giao tiếp ngoại ngữ được nhiều người biết đến.
II. Ưu nhược điểm của phương pháp Shadowing
Phương pháp Shadowing mang lại rất nhiều ưu điểm trong việc học ngoại ngữ:
- Cải thiện phát âm và ngữ điệu: Shadowing giúp người học mô phỏng cách phát âm, ngữ điệu và nhịp điệu của người bản xứ. Qua việc lặp đi lặp lại, người học có thể điều chỉnh cách phát âm của mình để tự nhiên hơn.
- Nâng cao kỹ năng nghe: Khi thực hành Shadowing, người học phải lắng nghe cẩn thận để bắt chước theo người nói, giúp cải thiện kỹ năng nghe hiểu.
- Luyện phản xạ bằng Tiếng Anh: Một vấn đề phổ biến mà nhiều người học gặp phải là mất quá nhiều thời gian để chuyển ngữ ý tưởng trong tiếng Việt của mình sang tiếng Anh trong đầu trước khi nói. Với Shadowing, thời gian chuyển ngữ được rút ngắn đáng kể. Qua thời gian luyện tập, người học dần quen với việc phản xạ trực tiếp bằng tiếng Anh, từ đó có thể nói nhanh hơn và cải thiện sự trôi chảy, mạch lạc trong giao tiếp.
- Tăng cường từ vựng và ngữ pháp: Khi liên tục nghe và nhắc lại các câu từ, người học sẽ tự nhiên tiếp thu và ghi nhớ từ vựng cũng như cấu trúc ngữ pháp mà không cần phải học một cách máy móc.
- Học Tiếng Anh một cách thú vị: Shadowing giúp việc học ngoại ngữ trở nên thú vị và không nhàm chán, bởi người học được lắng nghe và lặp lại các câu thoại một cách tự nhiên, như đang tham gia vào cuộc hội thoại thực tế, giúp duy trì hứng thú.
Tuy nhiên, phương pháp này vẫn có tồn tại một số nhược điểm như sau:
- Khó khăn cho người mới bắt đầu: Shadowing yêu cầu người học phải nghe và lặp lại ngay lập tức, điều này có thể quá khó đối với những người mới bắt đầu học ngôn ngữ, khi vốn từ vựng và khả năng nghe còn hạn chế.
- Đòi hỏi tập trung cao: Vì cần phải lắng nghe và phản xạ nhanh chóng, phương pháp này yêu cầu sự tập trung cao độ. Điều này có thể khiến người học cảm thấy mệt mỏi sau một thời gian dài luyện tập.
- Không phù hợp với mọi mục đích học: Một số người học có thể cảm thấy việc lặp lại mà không hiểu rõ nội dung hoặc ngữ pháp là không hiệu quả, vì phương pháp này tập trung nhiều vào kỹ năng nghe và phát âm hơn là việc hiểu sâu về cấu trúc ngôn ngữ.
III. Cách áp dụng phương pháp Shadowing
Vậy làm thế nào để áp dụng Shadowing một cách hiệu quả nhất. Bạn hãy làm theo các bước sau nhé:
Bước 1: Chọn tư liệu nghe
Để thực hiện shadowing, hãy bắt đầu bằng việc chọn tư liệu, có thể là phim ảnh, truyền hình thực tế, một bài diễn thuyết, vv, miễn là chúng đáp ứng được những tiêu chí sau:
- Độ dài vừa phải, không nên kéo dài quá 2-3 phút nếu bạn mới bắt đầu tập shadowing.
- Video/audio phải có phụ đề/transcript để bạn theo dõi chính xác nội dung.
- Do người bản xứ nói.
- Chủ đề của bài nói quen thuộc với bạn, tránh những chủ đề khó, nhiều từ chuyên ngành.
Bước 2: Nghe và đọc transcript trước
Trước khi bắt đầu Shadowing, hãy nghe qua đoạn tư liệu ít nhất một lần mà không cần lặp lại. Mục tiêu của bước này là giúp bạn làm quen dần với với nội dung, ngữ cảnh, giọng điệu và tốc độ nói của người nói trong đoạn tư liệu. Nếu tò mò một số từ vựng trong transcript, bạn có thể tra từ điển trước và note lại nghĩa của chúng trước.
Bước 3: Nghe và bắt chước (Shadowing)
Sau khi đã nghe qua và hiểu nội dung, bạn bắt đầu thực hành Shadowing bằng cách mở tư liệu, bật sẵn phụ đề hoặc mở sẵn transcript. Người nói nói đến đâu, bạn cần nói theo đến đó. Đừng quá bận tâm đến những từ vựng khó hay việc bạn không hiểu ý nghĩa của video/audio. Hãy tập trung vào việc cố gắng bắt chước giọng điệu, tốc độ và cách nhấn âm của họ sát nhất có thể.
Ban đầu, bạn có thể nghe và lặp lại từng câu ngắn, sau đó dần tăng độ dài thành nhiều câu. Hãy lưu ý rằng bạn nên ghi âm những lần luyện tập này, phục vụ cho mục đích đánh giá sau luyện tập.
Bước 4: Ghi âm
Sau khi luyện tập một vài lần và cảm thấy đủ tự tin, hãy ghi âm lại quá trình bạn shadow theo đoạn tư liệu mẫu để phục vụ cho mục đích đánh giá về sau.
Bước 5: Nghe lại bản ghi âm và Điều chỉnh
Hãy nghe và bắt đầu sửa các lỗi phát âm, ngữ điệu hoặc tốc độ chưa phù hợp từ đó. Nếu phát hiện từ hoặc câu nào khó nhại lại, bạn có thể tạm dừng để luyện tập kỹ hơn những phần đó trước khi nhại tiếp. Lặp lại quá trình Shadowing và ghi âm đến khi bạn cảm thấy tự tin và có thể nói gần như chính xác và tự nhiên như người bản xứ.
IV. Một số nguồn luyện tập Shadowing hiệu quả
Dưới đây là một số nguồn với vô số tư liệu để luyện Shadowing phổ biến và hiệu quả dành cho bạn:
1. Podcast
Các chương trình podcast của người bản ngữ là lựa chọn tuyệt vời để luyện Shadowing, bởi chúng có nhiều chủ đề đa dạng và thường có tốc độ nói tự nhiên. Một số podcast phổ biến với người học ngoại ngữ mà cung cấp transcript miễn phí có thể kể đến:
- British Council’s Podcast series (dành cho trình độ A2-B1)
- The English We Speak (BBC Learning English) (dành cho trình độ B1-B2)
- Better at English (dành cho nhiều trình độ khác nhau)
2. Youtube
YouTube cung cấp nhiều nội dung học ngoại ngữ từ các kênh giáo dục đến những vlog của người bản ngữ, giúp bạn luyện Shadowing một cách tự nhiên và thú vị. Một số kênh mà Betterway gợi ý bao gồm:
- BBC Learning English (cung cấp các video ngắn, dễ theo dõi và phù hợp với người học tiếng Anh) (dành cho mọi trình độ)
- Easy British English (các bài phỏng vấn nhanh trên đường với người nói tiếng Anh) (dành cho trình độ A2-B1)
- TED Talks (các bài nói truyền cảm hứng, có phụ đề song ngữ để dễ luyện tập) (dành cho trình độ B1-C1)
3. Phim và chương trình truyền hình:
Phim và các chương trình truyền hình là nguồn tài liệu phong phú cho Shadowing, giúp bạn luyện kỹ năng nghe và nói trong các tình huống giao tiếp thực tế. Bạn có thể chọn phim hoặc chương trình có phụ đề song ngữ và thực hành nhại lại các đoạn hội thoại.
Bạn có thể bắt đầu shadowing với những show truyền hình sitcom dùng ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày rất dễ tiếp cận như Friends, How I Met Your Mother hay Modern Family.
4. Sách nói (Audiobook)
Sách nói là nguồn lý tưởng để luyện Shadowing, đặc biệt khi bạn đã có kiến thức về từ vựng. Bạn có thể tìm các cuốn sách nói bằng ngôn ngữ mục tiêu và nhại lại từng đoạn. Một số nền tảng cung cấp sách nói:
- Audible: Thư viện sách nói trả phí khổng lồ cho nhiều ngôn ngữ.
- Librivox: Sách nói miễn phí, bao gồm hàng ngàn thể loại, phù hợp cho người học với mọi trình độ.
V. Lời kết
Tóm lại, Shadowing là một phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả, giúp người học cải thiện phát âm, ngữ điệu, kỹ năng nghe và phản xạ ngôn ngữ một cách tự nhiên. Bằng cách chọn tư liệu phù hợp, lắng nghe kỹ, nói nhại, ghi âm và điều chỉnh, bạn có thể phát triển khả năng giao tiếp nhanh chóng và tự tin hơn.
Dù có một số thách thức, nhưng với sự kiên trì và luyện tập đều đặn, phương pháp này sẽ mang lại kết quả rõ rệt trong quá trình học ngoại ngữ nói chung và IELTS nói riêng của bạn. Betterway chúc bạn ôn thi thành công!
Betterway.vn
(Bài viết cập nhật: 01/11/2024)